Tìm kiếm

Các thành phần trong Dương trạch tứ yếu

Dương trạch tứ yếu, như đã nói ở trên, bao gồm 4 thành phần: Môn – Chủ – Táo – Thờ

Môn

Tức là cửa chính. Nhà có nhiều cửa thì cũng chỉ tính cửa chính khi xét đến Tứ yếu mà thôi. Vì cửa đi chính là nơi dẫn Khí vào nhà. Tất nhiên cửa nào thì cũng dẫn khí, nhưng cửa chính là nơi đi lại nhiều nhất, to đẹp nhất, chính diện nhất, nên khí nó dẫn vào cũng là nhiều nhất.

Mà khí thì là yếu tố quan trọng hàng đầu trong phong thủy. Khí tốt (sinh khí) hay khí xấu (tà khí) sẽ quyết định mọi họa phúc cát hung trong nhà. Do đó vai trò của Môn rất quan trọng, đứng đầu trong Dương trạch tứ yếu.

Chủ

Là phòng ở, hay phòng ngủ của gia chủ. Con người luôn dành 1/3 cuộc đời cho việc ngủ, nên phòng ngủ đóng vai trò rất quan trọng. Nó là nơi nghỉ ngơi, thư giãn, phục hồi sức khỏe sau một ngày dài làm việc.

Trong phòng ngủ thì giường ngủ lại là nơi quan trọng nhất. Nên khái niệm Chủ có thể chỉ trực tiếp đến chiếc giường ngủ. Bao gồm tọa vị và hướng của giường.

Táo

Táo là bếp nấu. Tức là nơi nấu ăn, nuôi dưỡng cả gia đình. Có câu “Bệnh tật từ miệng”, tức là những gì chúng ta ăn vào sẽ quyết định sức khỏe của chính chúng ta. Nên bếp ăn là rất quan trọng.

Nói về mặt hình tượng, Táo cũng là nơi duy trì ngọn lửa gia đạo, ngọn lửa hạnh phúc của một gia đình. Các thành viên trong gia đình có đoàn kết, có tương trợ giúp đỡ nhau hay không, cũng là nhờ “ngọn lửa” này.

Người xưa cũng có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Người đàn ông thường là mạnh khỏe, nên việc kiếm tiền, làm nhà làm cửa là của người đàn ông. Còn người phụ nữ xưa thường ở nhà nội trợ, bếp núc. Nên chữ “tổ ấm” ở đây cũng gắn liền với “ngọn lửa ấm cúng” của bếp nấu. Người phụ nữ là người “giữ lửa” cho gia đình, duy trì “tổ ấm” hạnh phúc.

Thờ

Như đã phân tích ở trên, Thờ là nơi thể hiện lòng thành kính, sự hiếu nghĩa của con cháu với ông bà tổ tiên. Đồng thời cũng là nơi thể hiện tín ngưỡng, sự kính trọng với các bậc Thần linh. Việc không gian thờ cúng được trang trọng, hợp phong thủy vừa mang lại cho những người trong gia đình sự yên tâm, cũng là sự tin tưởng vào việc họ sẽ được phù hộ.

Tại sao sách Bát trạch minh cảnh lại đưa ra khái niệm Dương trạch tam yếu, không có Thờ?

Các ngôi nhà cổ ngày xưa thường được xây dựng theo kiến trúc đền chùa. Bàn thờ sẽ được đặt ở chính giữa nhà, nơi trang trọng nhất, mặt bàn thờ hướng thẳng ra cửa chính. Dạng nhà này thường được gọi là nhà “ba gian” hay “ba gian hai chái”. Lúc  này, hướng bàn thờ sẽ trùng thẳng với hướng cửa, và cũng trùng với hướng nhà. Khi đó, nếu hướng cửa tốt, đồng nghĩa với hướng nhà cũng tốt, và hướng bàn thờ cũng tốt. Do đó, các thầy phong thủy xưa chỉ cần xem Dương trạch tam yếu là đủ, không cần yếu tố thứ tư (Thờ) nữa.

Với nhà ở hiện đại ngày nay, bàn thờ có thể đặt ở bất kỳ đâu trong nhà, thậm chí với nhà cao tầng, nó có thể được đặt trên các tầng cao. Như vậy, việc đưa thêm bàn thờ vào để từ Dương trạch tam yếu trở thành Dương trạch tứ yếu là điều cần thiết và phù hợp.

Subscribe to receive free email updates:

0 Response to "Các thành phần trong Dương trạch tứ yếu"

Post a Comment